Trong phần 2 này chúng ta sẽ tìm hiểu nốt 5 hạn chế còn lại trong công tác quan trắc môi trường nước tại nước ta.
9 hạn chế trong công tác quan trắc môi trường nước tại Việt Nam
Hạn chế thứ năm: Là cơ quan đầu về quan trắc môi trường của cả nước, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, do phần lớn các trang thiết bị quan trắc và phân tích đã được đầu tư và đưa vào sử dụng từ cách đây hơn 10 năm, đến nay một số thiết bị đã cũ và hỏng hóc; một số thiết bị có công nghệ đã cũ so với sự phát triển và trình độ công nghệ hiện nay. Chính vì vậy, cần thiết đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa các trang thiết bị cho Trung tâm nhằm đáp ứng các yêu cầu chuyên môn của đơn vị quan trắc môi trường quốc gia trực thuộc Tổng cục Môi trường.
Hạn chế thứ sáu: Mạng lưới các Trạm quan trắc môi trường nước quốc gia thuộc các Bộ ngành khác cũng đã được thiết lập từ năm 1995 trên cơ sở kế thừa và tận dụng nguồn lực (con người, thiết bị) sẵn có của các đơn vị và có đầu tư bổ sung, tăng cường trang thiết bị quan trắc, phân tích môi trường. Song cho đến nay, bên cạnh một số đơn vị quan trắc thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được đầu tư khá nhiều trang thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác quan trắc môi trường thì một số đơn vị quan trắc khác thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế về chủng loại, số lượng và mức độ tiên tiến của các trang thiết bị quan trắc, phân tích.
Hạn chế thứ bảy: Việc ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại, tự động (đối với nước và không khí) đã được triển khai thời gian qua nhưng còn chậm so với sự phát triển công nghệ trên thế giới. Việc đầu tư lắp đặt Trạm quan trắc tự động dần được quan tâm, phát triển ở cả Trung ương và địa phương tuy nhiên, việc duy trì vận hành các Trạm quan trắc này còn nhiều hạn chế chủ yếu do thiếu nguồn lực tài chính. Hệ thống trạm quan trắc môi trường nước tự động và liên tục bước đầu được thiết lập và dần phát triển tuy nhiên còn thiếu so với nhu cầu cung cấp số liệu phục vụ quản lý và thông tin cho cộng đồng do chi phí đầu tư, duy trì và vận hành các trạm quan trắc tự động còn cao trong khi còn hạn chế về nguồn kinh phí thực hiện.
Hạn chế thứ tám: Để kiểm soát độ tin cậy của số liệu và chất lượng của thiết bị quan trắc thì các thiết bị sau khi đầu tư cần phải được duy trì, bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ nhằm đánh giá được chất lượng của thiết bị và có kế hoạch sửa chữa, thay thế nhằm đảm bảo độ chính xác và tuổi thọ của thiết bị. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chưa được quan tâm và bố trí kinh phí phù hợp do đó nhiều thiết bị vì không được định kỳ bảo trì, bảo dưỡng và thay thế phụ kiện nên nhanh xuống cấp, hư hỏng, hoạt động không ổn định và tuổi thọ của thiết bị cũng giảm đi.
Hạn chế cuối cùng: Dễ dàng thấy năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị quan trắc môi trường, đặc biệt là các thiết bị quan trắc tự động, liên tục đã được xây dựng. Tuy nhiên năng lực của hệ thống này chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế, vẫn còn nhiều thiết bị đo chưa có khả năng kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm.
HỢP PHÁT hy vọng thông qua những hạn chế trên chúng ta cũng có thể phần nào biết được điểm yếu kém và cần khắc phục ở đâu.
HỢP PHÁT – CHUYÊN GIA QUAN TRẮC VÀ TỰ ĐỘNG HÓA